Ads block

Banner 728x90px

Khái niệm cơ bản


 Dưới đây là một số khái niệm cơ bản trong thư pháp và vài điều cần lưu ý trước khi bắt đầu những bài học tiếp theo trong chương trình học thư pháp Online. 


Đối với những người mới. Việc nắm vững và thuộc lòng các khái niệm này là vô cùng quan trọng.


Vậy nên, quý bạn đọc hãy cố gắng ôn lại thường xuyên để nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật cơ bản, khó hơn sau này nhé. 


Thư pháp là gì?

Thư pháp là bộ môn quan trọng, gắn liền với rất nhiều các lĩnh vực nghệ thuật trong đời sống.


Là môn học sử dụng những đường nét để tạo nên con chữ có kỹ thuật, có quy luật, có bố cục hợp mắt thẩm mỹ của người thưởng lãm, thể hiện được tư tưởng của bản thân đối với các văn bản chữ nghĩa.


Vậy nên người học chữ vừa phải hiểu lý lẽ, ý nghĩa của con chữ. Vừa phải biết thể hiện vẻ đẹp của chữ.


Chữ thì chỉ có những đường nét thô kệch, ráp lại với nhau thành đoạn, hợp lại thành bài và nhiều hơn thế. Làm sao để thể hiện được tâm tư, tình cảm của mình trong đó?


Thư pháp chính là công cụ để giúp chúng ta làm được điều ấy.


Người học chữ phải có 5 phẩm chất:


- Kiên trì


- Nhẫn nại


- Khiêm tốn


- Sáng tạo


- Đoàn kết


Trong lớp học phải:


- Tôn sư trọng đạo


- Quý mến đồng môn


- Tiết kiệm, ngăn nắp, gọn gàng và sạch sẽ.


Các loại đồ dùng trong thư pháp

Trong thư pháp chúng ta xem trọng nhất có 4 món đồ, hay còn gọi là "Văn phòng tứ bảo", bao gồm:


- Bút


- Nghiên


- Giấy


- Mực


Bên cạnh đó còn có thêm một số món đồ khác để phục vụ cho thú vui này bao gồm:


- Gác bút


- Ống đựng bút


- Giá treo bút


- Khung nghiên


- Thảm kê


- Con dấu và chu sa


- Mành bảo quản bút


- Bình giữ nước


- Khay chia màu


Thể chữ và phông chữ

Khi viết một chữ chúng ta cần biết thêm một số khái niệm, cụ thể:


- Thể chữ: Là cách trình bày các chữ cái theo một quy luật nhất định, các chữ được tạo ra có sự thống nhất về điểm giống trong kết cấu, tỉ lệ, cách sử dụng đường nét.


Các thể chữ chính trong thư pháp tạm gọi có 5 thể, bao gồm:


Điền thể, Mộc thể, Thủy thể, Phong thể, Biến thể


- Phông chữ: Là cách sử lý riêng của từng cá nhân trong một thể chữ cụ thể. Có thể giữa hai người cùng viết một thể chữ, nhưng lại có hai kiểu trình bày khác nhau nhưng tính của phông chữ vẫn đảm bảo được yêu cầu của thể chữ.


- Kết cấu: Cách để tạo ra một ký tự, hoặc một từ ngữ với những đặc điểm như đường nét cần dùng, thế bút, hướng nét, tỉ lệ to nhỏ, cao thấp,…


- Tỉ lệ: Thường là ½, 2/3, là điểm giao cắt hoặc khoảng trống hay cách sắp xếp các con chữ, kích thước của đường nét, mục đích của việc viết chữ theo tỉ lệ là đảm bảo được tính thống nhất, thuận mắt người xem, hài hòa về bố cục.


Ví dụ: Chữ A có nét ngang được sử dụng bằng một đường cong lượn chéo từ dưới lên, cắt qua 1/3 nét thứ nhất, ½ nét thứ hai.


Kết cấu của một nét

Một nét bút bao giờ cũng sẽ có 03 giai đoạn bao gồm:


- Khởi bút: Kỹ thuật tạo ra nét trong thời điểm đầu tiền đầu bút lông chạm vào mặt giấy.


- Hành bút: Kỹ thuật di chuyển bút lông trên mặt giấy, chủ yếu có thể kể đến 02 cách hành bút chủ đạo là: Trung phong hành bút và Thiên phong hành bút.


Sự khác biệt giữa trung phong và thiên phong nằm ở các chỗ:


“Trung phong hành bút” tạo nên nét di chuyển chính trực, thẳng thắn, không nghiêng lệch nên đường mực khi di chuyển luôn giống nhau, trong khi đó, “Thiên phong hành bút” tạo nên nét di chuyển nghiêng lệch về một hướng, nên một bên lượng mực sẽ sắc nét, còn một bên sẽ có những đường đứt đoạn, phi bạch tự nhiên.


“Trung phong hành bút” và “Thiên phong hành bút” đều có những tính chất riêng mà người viết cần hiểu rõ trong khi sử dụng hai kiểu hành bút này nhằm mang lại hiệu quả tối ưu khi viết chữ.


- Thu bút: Kỹ thuật kết thúc hay cách rút đầu lông bút khỏi mặt giấy để xác định việc dừng viết một nét. 


Các kiểu văn bản, nội dung thường gặp trong thư pháp

Trong thư pháp, việc trình bày một nội dung được thể hiện theo nhiều kiểu dáng khác nhau.


Bởi diện tích giấy có thể thay đổi cho phù hợp với không gian căn phòng, hoặc nơi treo, trưng bày sản phẩm thư pháp nên chúng ta cần biết các cách sắp xếp nội dung khác nhau để thể hiện tác phẩm phù hợp.


“Cách sắp xếp nội dung, khoảng cách giữa các từ, số lượng câu chữ trong một văn bản” được gọi chung là chương pháp.


Chương pháp chia theo hình dạng có:


- Hình trụ


- Hình tròn


- Hình vuông


- Hình tam giác


- Hình lượn


Chia theo vị trí trưng bày có các dạng:


- Trung đường


- Đẩu phương


- Hoành phi


- Câu đối.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét