Là một người đam mê yêu thích với thư pháp, nhưng Thanh Phong cũng rất yêu cái đẹp được tạo nên từ những bức tranh thủy mặc.
Người ta nói rằng
"Thư họa đồng nguyên"
Điều đó mang ý nghĩa rằng cả việc viết chữ đẹp lẫn vẽ tranh đều có cùng chung một nguồn gốc.
Trong bài viết ngày hôm nay, Thanh Phong sẽ dẫn các bạn đến vùng đất mới mang tên "Thủy mặc Trung Hoa" để chúng ta cùng nhau chiêm ngưỡng những tác phẩm đẹp mà lịch sử tiền nhân đã để lại cho hậu thế.
Thủy mặc là tên gọi chỉ nghệ thuật hội họa, hay vẽ tranh sử dụng mực nước, bút lông của người Trung Quốc xưa kia. Đến nay Thủy mặc được coi là "Quốc họa", một nét đặc trưng riêng vốn có của Trung Quốc.
Lịch sử phát triển thư họa Trung Quốc từ thời điểm lục quốc phân tranh (222-589) đến thời nhà Đường (618-907) đã xuất hiện nhiều cái tên được người đời biết đến như Cố Khải Chi (顧愷之).
Tranh Phong Cảnh là dòng tranh được ưa chuộng nhất lúc bấy giờ, những nhà thư họa lớn bao gồm Triển Tử Kiền (展子虔) Lý Tư Huấn (李思訓) Vương Duy (王維),...
Sau Tranh phong cảnh là các biến thể khác, bao gồm ba dòng chính là vẽ phong cảnh núi non, vẽ người và vẽ động vật, hoa cỏ.
Tranh họa người và thư pháp đề khoản hai bên |
Kỹ thuật vẽ cũng có rất nhiều trường phái và pháp độ
Với tên gọi khác nhau nhưng chủ yếu sẽ bao gồm hai cách vẽ là công bút và ý bút.
Một bức tranh công bút |
Công bút là lối vẽ những chủ thể một cách tỉ mỉ, chi tiết.
Một bức tranh ý bút |
Ý bút là lối vẽ những chủ thể không cần quá chi tiết, chỉ cần phác thảo ra được thần thái, cái ý tứ để người xem tự cảm nhận.
Thơ - Thư - Họa mối liên hệ mật thiết
Ba thứ này tạo thành một dải nghệ thuật xuyên suốt lịch sử Trung Hoa khiến cho hậu thế ngày nay mỗi khi nhìn vào lại thấy như cái trí tuệ và sự đỉnh cao của nghệ thuật Trung Quốc.
Qua góc nhìn của một người mới, tôi nhận thấy đời xưa người nghệ sỹ không những chỉ vẽ và vẽ cho có. Họ thêm vào những bức tranh một số câu chuyện, sự to lớn hay sự chi tiết tột cùng, hay chỉ là chút ý vị thoáng qua, đánh rất mạnh vào nội dung bức vẽ mà họ sử dụng.
Ví dụ như phần thơ rất ăn khớp với phần tranh vẽ, không hề có chuyện vẽ phong cảnh mà bài thơ lại lột tả vẻ đẹp của một người thiếu nữ và ngược lại. Thậm chí chỉ có tranh và con ấn không chứ tuyệt nhiên không đề lạc khoản vì họ muốn kết hợp với bức thư pháp ở bên ngoài khổ giấy khác.
Hội họa Trung Quốc hay nói cách khác là Tranh thủy mặc mỗi khi có thơ thì phần thơ sẽ bổ trợ cho phần hình vẽ, người nghệ sĩ rất tuân thủ nguyên tắc tương nhượng giữa tranh và chữ, không có chuyện tranh và chữ chiếm tỉ lệ 50 - 50 trong cùng một bản giấy vì như thế sẽ ảnh hưởng tới góc nhìn người xem.
Khi kết hợp giữa tranh và chữ, người Trung Quốc thường dùng tranh để đặt ở chính đường, áp dụng thêm hoành phi và câu đối hai bên để tôn lên vẻ đẹp của các tác phẩm mà không khiến chúng xung đột với nhau.
Nghệ thuật thủy mặc Trung Hoa cũng chia thành nhiều tầng, và pháp độ.
Bức "Thúy Hạc Đồ" của Tống Huy Tông |
Giống như thư pháp, tranh thủy mặc cũng có những pháp độ từ dễ đến khó nhưng tựu chung những pháp độ này giống như một hình trôn ốc lên cao và cao mãi, khiến người học mỗi khi đi vào thì đều cảm thấy hào hứng mà muốn bước tiếp lên những tầng cao mới nhưng lại không dám vỗ ngực xưng tên mà chủ đích rèn luyện bản thân, tâm hồn khiêm tốn.
Người vẽ tranh thủy mặc giỏi thường tìm tòi, nghiên cứu rất kỹ chủ thể họ định vẽ và một người chỉ chuyên về một số lĩnh vực cụ thể.
Ông Trương Thiện Tử nuôi hổ từ bé để nghiên cứu hổ làm đối tượng vẽ tranh |
Ví dụ như người vẽ hổ thì thậm chí sẽ nuôi hổ trong nhà để quan sát các cử động mà vẽ cho xuất thần (như ông Trương Thiện Tử), hay người vẽ phong cảnh thậm chí phải dành thời gian hàng năm trời để ngao du tứ phương, tìm ra nơi có địa hình tuyệt đẹp mà phóng bút.
Ta sẽ dễ dàng thấy được những câu chuyện tương tự đối với thư pháp, khi một chữ có người luyện tới mười mấy năm trời hoặc chỉ một người nổi danh với một thể chữ cụ thể.
Dường như tất cả các danh gia lớn đều nhận thấy việc kiêm toàn hoàn hảo trong tất cả các trường phái là vô nghĩa nên họ lựa chọn các ngách chuyên biệt để tiến vào làm chủ một trường phái nhất định.
Tranh phong cảnh của Đổng Kỳ Xương |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét